Huyền thoại về Chủ nghĩa Xã hội kiểu Scandinavia
Corey Iacono
Bernie Sanders [ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ] đã tự mình mang thuật ngữ "chủ nghĩa xã hội dân chủ" ("democratic socialism") vào từ vựng chính trị Mỹ đương thời và làm rung động hàng triệu người ở thế hệ thiên niên kỷ [1] khiến họ thôi không còn hờ hững đối với chính trị. Ngay cả nếu ông không được đảng Dân chủ đề cử, ảnh hưởng của ông lên chính trị Mỹ sẽ trở nên rõ ràng trong những năm tới.
Sanders đã thuyết phục
được nhiều người rằng đối với đa số người Mỹ tình hình đã trở nên rất
tệ, từ lâu rồi. Giải pháp của ông là gì? Mỹ phải đi theo "chủ nghĩa xã
hội dân chủ,” một hệ thống kinh tế xã hội dường như vận hành rất hiệu
quả ở các nước Scandinavia [2], như Thụy Điển, nước mà, theo một số tiêu
chuẩn nào đó, tốt hơn Mỹ.
Chủ nghĩa xã hội dân
chủ chủ trương kết hợp quy tắc đa số với kiểm soát của nhà nước về
phương tiện sản xuất. Tuy nhiên, các nước Scandinavia không phải là
những ví dụ tốt về chủ nghĩa xã hội dân chủ trên thực tế bởi vì các nước
đó không phải là xã hội chủ nghĩa.
Trong các nước
Scandinavia, giống như tất cả các quốc gia phát triển, các phương tiện
sản xuất được sở hữu chủ yếu bởi các cá nhân, chứ không phải bởi cộng
đồng hay chính phủ, và các tài nguyên được phân bổ đến người dùng thông
qua thị trường, chứ không phải bởi kế hoạch của chính phủ hay cộng đồng.
Trong khi đúng là các
nước Scandinavia cung cấp những thứ như mạng lưới an sinh xã hội hào
phóng và chăm sóc sức khỏe phổ thông, thì một nhà nước phúc lợi rộng rãi
không phải là thứ tương tự như chủ nghĩa xã hội. Điều mà Sanders và
những người ủng hộ ông lầm tưởng là chủ nghĩa xã hội thực ra là dân chủ
xã hội (social democracy), một hệ thống trong đó chính phủ nhắm đến xúc
tiến phúc lợi chung thông qua thuế má và chi tiêu cao, bên trong cơ cấu
của một nền kinh tế tư bản. Đây là điều mà các nước Scandinavia thực
hiện.
Đối với những người Mỹ
hay cho rằng Đan Mạch là một nước theo xã hội chủ nghĩa, mới đây, trong
một bài giảng tại Trường Chính phủ Kenedy của Đại hoc Harvard, thủ tướng
Đan Mạch đã nói như sau:
"Tôi biết rằng một số
người ở Mỹ liên kết mô hình Bắc Âu với thể loại nào đó của chủ nghĩa xã
hội. Bởi thế, tôi muốn nói cho rõ một điều. [Đó là,] Đan Mạch khác xa
với nền kinh tế được hoạch định mang tính xã hội chủ nghĩa. Đan Mạch là
một nền kinh tế thị trường."
Các nước Scandinavia
mang nhãn hiệu của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do tồn tại trong sự
kết hợp với một nhà nước phúc lợi rộng rãi, được biết đến như là "mô
hình Bắc Âu,” mô hình bao gồm nhiều chính sách mà những người theo chủ
nghĩa xã hội dân chủ có thể ghét cay ghét đắng.
Lấy ví dụ, những người
theo chủ nghĩa xã hội dân chủ nhìn chung là những người phản đối chủ
nghĩa tư bản toàn cầu và tự do mậu dịch, nhưng các nước Scandinavia hoàn
toàn đi theo những thứ đó. Tạp chí The Economist mô tả các nước
Scandinavia như "các nước kiên cường theo tự do mậu dịch nhưng chống lại
sự cám dỗ của việc can thiệp [vào thị trường] ngay cả để bảo vệ các
công ty mang tính biểu tượng." Có lẽ đây là lý do tại sao Đan Mạch, Na
Uy và Thụy Điển nằm trong số các quốc gia [có nền kinh tế được] toàn cầu
hóa nhất trên toàn thế giới. Các nước này cũng nằm trong top 10 các
quốc gia thuận lợi nhất cho kinh doanh.
Những người ủng hộ
Bernie Sanders cảm nhận thế nào về lương tối thiểu? Bạn sẽ không thấy
lương tối thiểu cho nhân công được áp đặt bởi chính phủ ở Thụy Điển, Na
Uy hay Đan Mạch. Thay vào đó, các mức lương tối thiểu được quyết định
bởi các thỏa ước thương lượng tập thể giữa các công đoàn và những chủ
công ty, và theo từng trường hợp, khác nhau trên cơ sở nghề nghiệp và
ngành công nghiệp. Lương tối thiểu được quy định bởi công đoàn ngăn cản
những người yếu tay nghề nhất [tham gia vào thị trường lao động] và tạo
ra các thiệt hại tới nền kinh tế, nhưng một hệ thống phi tập trung hóa
như thế vẫn được cho là một cách làm mọi thứ vận hành tốt hơn nhiều so
với việc có một chính phủ thiết lập chính sách lương
“một-cỡ-vừa-cho-tất-cả” (one-size fits all wage policy) bao gồm mọi nghề
nghiệp trên toàn quốc.
Trong một bước chuyển
có thể được những người Mỹ trẻ [thuộc thế hệ] #FeelTheBearn [3] xem là
cổ vũ chủ nghĩa tư bản triệt để, Thụy Điển đã thực hiện một hệ thống
chọn trường phổ thông (universal school choice system) trong thập kỷ 90
mà gần như đồng nhất với hệ thống được đề xuất bởi nhà kinh tế theo
trường phái tự do Milton Friedman, trong tham luận 1955 của ông "Vai trò
của chính phủ trong giáo dục.”
Trong thực tiễn, hệ
thống Thụy Điển đòi hỏi các chính quyền địa phương cho phép các gia đình
sử dụng quỹ công, theo dạng tín phiếu (voucher), để trả tiền học cho
con em mình ở trường tư, kể cả các trường được vận hành bởi các công ty
vì lợi nhuận (for-profit corporation) mà ai cũng ngán.
Các cải cách của Thụy
Điển, còn lâu mới là một thất bại, như những người theo chủ nghĩa xã hội
nghĩ về nó như vậy, mà thực tế là một thành công đáng kể. Theo một
nghiên cứu được công bố bởi Học viện Nghiên cứu Lao động (Institute for
the Study of Labor), sự mở rộng của giáo dục tư nhân và cạnh tranh được
mang đến bởi cải cách giáo dục thị trường tự do của Thụy Điển "đã cải
thiện kết quả học tập trung bình cả khi học sinh học xong chương trình
cưỡng bách giáo dục [4], và, về lâu dài, cả ở các lớp trung học, các lớp đại học (xét về số người học), và số năm học.”
Nói chung, rõ ràng là
các nước Scandinavia trên thực tế không phải là các hình mẫu của chủ
nghĩa xã hội dân chủ thành công. Sanders đã thuyết phục rất nhiều người
về những điều mà chủ nghĩa xã hội dân chủ không có, và ông đã dùng các
nước Scandinavia để chứng minh cho tính hiệu quả của chủ nghĩa đó, trong
khi cố tình không nói tới rằng, theo nhiều cách, các nước này khác rất
xa, phải nói là xa vời vợi với những điều mà Sander cổ võ.
Nguyễn Trang Nhung chuyển ngữ
Corey Iacono là sinh viên Đại học Rhode Island chuyên ngành khoa học dược và ngành phụ kinh tế.
© Học Viện Công Dân, June 2016
Chú thích:
[1] Millenials, chỉ những người sinh ra từ đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000.
[2] Scandinavia, tên gọi thường để chỉ nhóm các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và đôi khi cả Phần Lan và Iceland.
[3] Chỉ những người dùng hashtag #FeelTheBearn (Twitter) để cổ vũ cho Bernie Sanders.
[4] Cưỡng
bách giáo dục ở Thụy Điển từ 7 tới 16 tuồi (từ lớp 1 tới lớp 9) được
hoàn toàn miễn phí, sau đó là 3 năm trung học. Cấp trung học, tuy cũng
miễn phí, nhưng học sinh không bắt buộc phải theo học, mà có thể đi học
nghề.