Athens - Sự Trỗi Dậy & Suy Tàn
Hy Lạp xưa
là tập hợp một chuỗi các thành phố được tổ chức như những quốc gia độc lập trãi
dài từ Âu sang Á. Trong đó, Athens là chiếc nôi văn hoá đã hình thành nên nền
văn minh phương Tây.
Athens là
tên viết tắt của thành quốc và cũng là tên thủ đô của Hy Lạp cổ. Thành quốc
Athens được hình thành từ sự hợp nhất của 12 cộng đồng nguyên thuỷ từ thời vua
hoang đường Cecrops. Hai thành tựu quan trọng Athens đã cống hiến cho nhân loại
đó là tư duy lí tính và thể chế dân chủ.
1. Athens từ
quân chủ đến quý tộc
Thời trước Solon [một trong bảy hiền giả của cổ Hy Lạp],
quyền lực nằm trong tay kẻ có đất và có phương tiện bảo vệ đất đai đó là giới
quý tộc địa chủ. Nhiều gia đình cùng có một ông tổ, chia sẻ cùng một đối tượng
thờ cúng, tập hợp thành thị tộc. 30 thị tộc hợp thành một hương tộc. 3 hương
tộc hợp thành một bộ tộc. 4 bộ tộc đầu tiên của Athens là Geleontes, Hopletes,
Argadeis, và Aegicoreis.
Khởi thuỷ các bộ tộc được đặt dưới quyền một vị vua có nhiệm
vụ duy trì sự đoàn kết giữa các bộ tộc. Vương quyền dần bị giới hạn bởi quân sự
[Thống tướng], dân sự [Thống đốc]. Chế độ quân chủ nhường chổ cho chế độ đại
tộc. Vua trên danh nghĩa chỉ còn chức năng tôn giáo, và dần trở thành Trưởng
giáo. Thống đốc tăng thêm uy thế trở thành Quốc trưởng. Quyền trị vì của các
nhà vua và thống đốc trở thành những nhiệm kỳ giới hạn qua bầu cử. Cứ 10 năm
bầu lại rồi dần 1 năm một lần. Chỉ thành phần quý tộc và địa chủ mới có quyền
đầu phiếu tham dự Đại hội Quốc dân.
Bộ ba quyền lực tự bổ túc bằng 6 pháp quan có nhiệm vụ xét
xử. 9 vị này thực thi quyền lực nhà nước dựa trên một hội đồng gồm tất cả thống
đốc đã hết nhiệm kỳ gọi là Hội đồng Trưởng thượng.
2. Con đường dẫn đến Dân chủ
Trong thế kỷ thứ V, Athens đã trải qua hai cuộc chiến tranh
lớn: chiến tranh tự vệ với Đế quốc Ba Tư (11 năm) và nội chiến bá quyền với
Sparta (27 năm).
Lúc đầu, chiến tranh chủ yếu dựa vào kỵ binh, giới quý tộc
là thành phần duy nhất có khả năng cung cấp chiến mã, vũ khí và lương thực để
thắng trận, do đó thao túng chính quyền. Nhưng khi chiến tranh lan rộng, kỵ
binh không còn là lực lượng tham chiến duy nhất, thay vào đó nhiều công dân có
khả năng tự trang bị vũ khí ra trận trong lực lượng bộ binh. Bên cạnh đó những
kẻ túng quẫn cũng có thể bị động viên. Do vậy, tất cả đều có cơ sở tham gia vào
chính quyền tương xứng với sự đóng góp xương máu của họ.
Một yếu tố khác góp phần tạo ra sự thay đổi chính trị là
cuộc khủng hoảng ruộng đất. Phần lớn ruộng tốt nằm trong tay thiểu số quý tộc dung
để trồng nho và oliu xuất khẩu, chỉ một phần đất nhỏ và xấu được nông dân trồng
lúa mì. Dân số ngày càng tăng dẫn đến thiếu thức ăn. Để sinh nhai, nông dân
đành cầm ruộng cho địa chủ, khi số nợ vượt quá giá trị giả định của mảnh ruộng,
nông dân mất đất trở thành tá điền đi cày thuê trên mảnh đất mới đây còn là của
mình. Cứ thế tiếp tục vây mượn, dẫn đến cầm vợ đợ con, thậm chí mất luôn quyền
làm chủ bản thân trở thành nông nô.
Trong bối cảnh đó, Solon được bầu làm quốc trưởng năm 594,
tiếp nối sự nghiệp lập pháp của Draco (tác giả bộ luật thành văn đầu tiên cho
thành quốc). Bằng đạo luật xoá nợ, ông huỷ bỏ những món nợ chưa trả, phục hồi
tự do cho những người trở thành nông nô, trả lại ruộng đất cho tá điền, hồi
hương cho những công dân bị bán ra nước ngoài làm nô lệ, cấm đem thân cầm cố,
quy định mức tài sản tối đa. Sau đó Solon chia xã hội Athens thành 4 tầng lớp.
Với biện pháp này, chế độ quý tộc dựa trên lý lịch nhường chổ cho chế độ thị
tộc tư sản:
- Thượng lưu: bằng họăc nhiều hơn 500 medimnoi có thể giữ chức
Thống đốc vào Hội đồng Đại biểu giữ tài chính.
- Trung lưu – hay sở hữu ngựa: 300-500 medimnoi có thể làm
thống đốc, vào Hội đồng Đại biểu giữ tài chính, vào Kỵ binh.
- Tầng lớp hạ lưu- sở hữu bò: 200-300 medimnoi vào Hội đồng
Đại biểu, làm Pháp quan, giữ tài chính, vào Bộ binh.
- Bần cùng 0 – 200 medimnoi dự Đại hội Quốc dân, vào toà án
Heliaea, vào thuỷ binh.
Bên cạnh Hội đồng Trưởng thượng, Solon dựng lên Hội đồng
Thành quốc thực chất là Hội đồng Đại biểu Bộ tộc. Dựa trên 4 bộ tộc cấu thành
Athens, mỗi Bộ tộc được đề cử 100 người tham dự. Solon cũng thành lập hệ thống
Toà án Nhân dân mà ai cũng có thể bước vào với tư cách thành viên của Hội thẩm
đoàn, toà án Heliaea. Về sau định chế này tạo ra một thành phần sống bằng nghề
doạ dẫm tố cáo.
3. Thời kỳ bá vương
Khi Solon đi chu du thiên hạ, Athens lại rơi vào khoảng
hoảng. Đảng đồng bằng [ của giới địa chủ quý tộc] dưới sự điều khiển của
Lycurgus đòi tái lập trật tự cũ. Đảng duyên hải [thành phần là trung lưu,
thương gia hải cảng] do Megacles và Đảng cao nguyên [gồm nông dân và thị dân
nghèo] do Peisistratus lãnh đão đòi quyền lợi cục bộ. Nhờ sự ủng hộ của nông
dân và dân nghèo Peisistratus mưu chiếm được thượng thành, rồi đảo chính mở ra
thời kỳ bá vương.
Hippias nối nghiệp Peisistratus, chủ yếu dựa vào ngoại binh
Thessaly để giữ chính quyền. Thị tộc Alcmaeonidai hợp tác với vua Sparta lật đổ
Hippias. Hippias bị đi đày. Thành quốc lại bị phân hoá.
Cho rằng chế độ dân chủ có thể sẽ lây lan gây nguy hiểm nên
vua Sparta Cleomenes I nghe lời xúi bẫy của giới quý tộc bảo thủ đưa Isagoras
lên làm quốc trưởng. Isagoras trục xuất cả dòng họ Alcmaeonidai khỏi Athens,
chuẩn bị triệt hạ Hội đồng Thành quốc của Solon. Nhờ sự nổi dậy của quần chúng,
Cleisthenes về lại thủ đô đánh đuổi Leomenes và lật đổ Isagoras, tái lập lại
chế độ dân chủ.
4. Thời của Cleisthenes
Sau khi Cleisthenes lên nắm quyền quốc trưởng liền tạo lập
một cơ sở hành chính mới. Theo đó mỗi công dân đều thuộc về một làng (phường),
3-4 làng hợp thành quận, 3 quận hợp thành một bộ lạc (tỉnh). Có 10 bộ lạc, 4 cũ
và 6 mới phân theo hành chính vị chi có 30 quận.
3 quận cấu thành mỗi bộ lạc
phải thuộc về ba vùng địa lý khác nhau: 1 thành thị, 1 duyên hải, 1 cao
nguyên. Làng là đơn vị dân chủ nền tảng, có thể tổ chức Đại hội riêng để đưa
đại diện vào Hội đồng Thành quốc. Thể thức lúc đầu qua bầu cử, sau đó là bốc
thăm. Mỗi làng đều có thành viên hiện diện trong 10 bộ lạc do đó thể thức hành
chính mới đã làm phân tán sức mạnh thống trị của một bộ lạc trong làng.
Mỗi bộ lạc hàng năm có thể đề cử một Tư lệnh, đồng thời có
nghĩa vụ đóng góp cho việc bảo vệ thành quốc một số lượng bộ binh và kỵ binh
nhất định. Ngoài ra, mỗi bộ lạc có quyền gửi vào Hội đồng Thành quốc 50 đại
biểu (công dân trên 30 tuổi thuộc 3 tầng lớp cấp trên), và một viên chức tài
chính vào toà án Heliaea 600 uỷ viên để phân phối cho các vụ xử. Đại hội Quốc
dân được triệu tập 4 lần mỗi năm trên đồi Pnyx.
Cleisthenes thay chế độ bầu cử bằng chế độ rút thăm từ danh
sách những công dân đủ điều kiện đảm nhận, trừ Tư lệnh quân đội mới được bầu cử
và tái cử nhiều lần. Cơ chế này vô tình dẫn đến nguy cơ quân phiệt, cám giỗ lập
nghiệp bằng con đường chiến tranh với láng giềng hoặc đưa vào cơ quan lãnh đạo
thành quốc những kẻ bất tài và bất hảo. Do đó thủ tục thẩm tra dokimasia được
áp dụng để xác định tính cách, năng lực và phẩm hạnh của công dân. Để phòng
ngừa kẻ nguy hiểm cho chế độ dân chủ, người ta áp dụng lệnh phát vãng – không
được trở về thành quốc trong vòng 10 năm.
Liên minh quân sự Delos thành lập dần phát triển thành một liên bang chính trị lệ thuộc Athens mọi mặt. Quan hệ đồng minh trở thành quan hệ bảo hộ, rồi sang đế quốc. Uy quyền của Athens không còn duy trì dựa trên sự đồng thuận nữa mà bằng vũ lực.
Những bổ sung luật hiến pháp trong thế kỷ thứ V nhằm làm suy yếu giới quý tộc, tăng sự tham gia trực tiếp của công dân vào các định chế dân chủ. Áp dụng ngay cả những biện pháp có tính mị dân, mua chuộc. Trước tiên, tước mọi đặc quyền của Hội đồng Trưởng thượng, giai cấp hạ lưu cũng được tham gia chính trị cho chức Thống đốc. Mọi công dân đứng ra cáng đáng công việc trong các định chế này đều được trả phụ cấp. Thật ra những biện pháp này chỉ là mua chuộc hòng lôi kéo thêm phe đảng chiếm đa số. Muốn chi viện cho khoản tốn kém này, nhà nước buộc phải tăng thuế khiến cho lượng người bất mãn ngày càng đông. Có nhiều người đến góp mặt hơn nhưng thực tế rất ô hợp, dễ bị lung lạc, trình độ hiểu biết thấp, và cực đoan.
Vào khoảng 432 Đại hội Quốc dân thông qua đạo luật xúc phạm thần thánh xem như tội chống lại thành quốc, cho phép mọi công dân được truy tố trước toà. Sau đó một thủ tục công tố khác cho phép mọi công dân có quyền đưa dự luật hay đạo luật đã ban hành trong vòng 1 năm ra toà án xem xét hầu huỷ bỏ nếu cảm thấy điều đó trái với hiến pháp hay tập tục. Thủ tục bá cáo cho phép công dân công khai truy tố người có hành vi tham nhũng, mưu loạn, phản bội cũng được áp dụng, hình phạt thường là án tử hoặc mất quyền công dân.
Nhưng bất chấp những cải tổ đó, nền dân chủ Athens lại rơi vào một cuộc khủng hoản. Nghe tướng Alcibiades, Đại hội Quốc dân cho phép mở mặt trận cứu trợ đồng minh Segesta đang bị Selinus với Syracuse phía Sparta đe doạ. Trước khi đoàn quân viễn chinh lên đường, hộ thần Hermai bị xúc phạm. Nhiều nhân chứng [nói bừa] đã trông thấy tướng Alcibiades cùng đồng bọn say khướt đập phá trụ tượng và giễu cợt. Lần đó Alcibiades không bị xử tử, nhưng khi bắt đầu chuyến đi chưa kịp đến đích đã bị triệu hồi. Ông đào ngũ theo địch và bị kết án tử hình vắng mặt. Để trả thù, ông xúi Sparta ra quân cứu Syracuse và đổ bộ chiếm Decelea gây áp lực trước khi sang hàng Ba Tư. Sau 2 năm chiến tranh, những tổn thất nặng nề ngã về Athens. Năm 412, từ Ba Tư Alcibiades bắn tin rằng Ba Tư sẵn sang giúp Athens nếu Athens chịu trở lại chế độ đại tộc. Phe quý tộc ráo riết chuẩn bị đảo chính trong khi quân đội (tại Samoa) vẫn trung thành với chế độ dân chủ dẫn đến phân hoá sâu sắc.
6. Dân chủ suy đồi và sự tiêu vong của Athens
Sau vụ 6 tướng lĩnh hải quân (thắng trận Arginusae) bị hành quyết vì tội báng bổ thần thánh, và Alcibiades không được bầu làm chỉ huy quân đội (stratêgos) đã bất mãn rời khỏi thành quốc. Quân đội Athens giờ đây đã cạn kiệt nhân tài.
Quân Sparta trấn giữ tại eo biển Hellê vốn là đường vận lương của Athens đã giao chiến với số hải quân tàn tạ còn lại. Trước nạn đói và bệnh dịch, Athens phải đầu hàng Sparta với yêu cầu giải tán liên minh Delos, từ bỏ đất đai đã chinh phục, giới hạn lực lượng hải quân, phá bỏ tường thành nối với cảng Piraeús và chịu sự áp đặt một chính quyền quý tộc tay sai gọi là chính quyền Ba mươi bạo chúa.
Năm 403 tướng Thrasybulus dẫn đầu một nhóm lưu vong dần chiếm lại cảng Piraeús. Athens tái lập chế độ dân chủ, phe quý tộc di cư đến Eleusis, Thrasybulus cho lệnh ân xá và hoà giải. Rốt cuộc Athens chỉ mất quyền tự chủ và chế độ dân chủ trong một năm.
Năm 378 Athens tập hợp đồng minh dưới hình thức Hội đồng Đồng minh, để tránh khuynh hướng đế quốc của Liên minh Delos, quy định mỗi đại biểu đều có một phiếu trong hội đồng này trừ Athens. Trong tình trạng thiếu hụt ngân quỹ nhà nước, không bao lâu thành quốc lại đòi hỏi các đồng minh phải cống nạp. Sự bất mãn khiến các tiểu quốc nổi dậy chống Athens tái lập chế độ thực dân [ kiểu klêrouchía].
Trong tình hình đó, một vương quốc nửa Hy Lạp, Macedonia với một nhà nước tập quyền bắt đầu bành trướng. Chớp lấy cớ tập hợp khối Hy Lạp chống Ba Tư, vua Philip II của nước này lần lượt thôn tính các thành quốc ở Châu Âu. Athens đã không kịp thời thức tỉnh trước sự xâm lăng của Macedon. Sau khi liên minh Athens-Thebes bị đánh bại năm 338, vua Philip II buộc Athens đứng vào Liên minh Corinth của Macedon. Sự kiện này chấm dứt thời đại độc lập tự chủ của thành quốc, Athens chhir còn là chư hầu của đế quốc Macedon với sự kế nghiệp Philip II là Alexander III và sau đó là Alexander Đại đế. Nhưng thay vì lụi tàn, văn minh Hy Lạp lại toả sáng, ảnh hưởng sâu sắc lên khắp thế giới cổ đại theo bước đường chinh phạt từ Âu sang Á của Alexander Đại đế.
- NPU
Tham Khảo: Plato-Socratic 1 Dịch giả Nguyễn Văn Khoa
Không có nhận xét nào: