Breaking News
recent

Tinh Thần Tự Do

 Một đoạn trích từ luận văn của nhà văn George Orwell



Một phụ nữ mập mạp đã có tuổi đội một cái rổ đi giữa một con đường ở thành phố Petrograd, thản nhiên trước sự lộn xộn của dòng xe đang lưu thông và chẳng quan tâm gì đến sự nguy hiểm cho chính mình. Khi có người bảo bà ta là phải đi trên đường dành cho bộ hành, bà ta trả lời:

- “Tôi muốn đi đâu tùy theo ý tôi. Chúng ta bây giờ có tự do rồi mà.”

Bà ta chẳng nghĩ rằng nếu tự do cho phép người bộ hành đi giữa đường xe đang chạy, thì kết quả của sự tự do như vậy sẽ gây ra một sự hỗn loạn toàn diện. Mọi người sẽ vi phạm vào đường đi của người khác và chẳng ai có thể đi đâu được nữa cả.Tự do cá nhân sẽ trở thành một xã hội hỗn loạn.

Có một sự nguy hiểm cho thế giới đang bị say sưa vì sự tự do trong thời gian gần đây như hành động của bà già đội cái rổ, và cũng là lúc ta phải tự nhắc mình ý nghĩa của luật giao thông là gì. Nó có nghĩa là để cho tự do của tất cả được bảo tồn, sự tự do của mọi người phải được giới hạn. Khi người cảnh sát tại, thí dụ ở quảng trường Piccadilly, bước ra giữa đường và đưa tay ra điều khiển giao thông, anh ta không phải là biểu tượng của sự chuyên chế, nhưng đó là biểu tượng của sự tự do. Bạn có thể không nghĩ như vậy. Bạn có thể, khi đang vội và thấy xe của mình bị cơ quan quyền lực láo xược chận lại, cảm thấy tự do của mình bị xúc phạm. Sao cái nhà anh cảnh sát này dám xía vào sự tự do sử dụng công lộ của bạn? Nhưng, nếu bạn là người biết điều, bạn sẽ nghĩ rằng anh ta không xâm phạm vào tự do của ai hết, và kết quả sẽ là quảng trường Piccadilly biến thành một vũng nước xoáy mà bạn chẳng thể nào đi qua được. Bạn phải chịu để cho tự do của mình bị giới hạn để được hưởng một trật tự xã hội, một trật tự khiến cho sự tự do trở thành hiện thực.

Tự do không chỉ là việc riêng tư, mà còn là một giao ước xã hội. Nó là một nơi dung hợp những lợi ích. Trong những vấn đề mà không đụng tới tự do của bất cứ ai, dĩ nhiên là vậy, tôi được tự do làm những gì tôi thích. Nếu tôi quyết định đi phố trong bộ đồ ngủ, ai dám bảo là tôi không thể làm việc đó? Bạn có tự do cười nhạo tôi, nhưng tôi cũng có tự do phớt lờ bạn. Và nếu tôi nảy ý tưởng “đồng bóng” và nhuộm tóc tôi thành màu khác, hay dùng sáp vuốt cho ria mép vểnh lên, hay 35mặc áo bành-tô nhưng lại đi dép, hay đi ngủ muộn hay thức dậy thiệt sớm, tôi cứ việc làm theo sự tưởng tượng của mình và không cần xin phép ai hết. Tôi không cần hỏi bạn xem tôi có thể ăn mù-tạt với thịt cừu hay không. Và bạn cũng sẽ chẳng phải xin phép tôi là bạn có thể theo đạo này hay đạo kia, có thể thích Ella Wheeler Wilcox hơn Wordsworth, hay có thể thích rượu xâm-banh hơn bia pha nước chanh?

Trong tất cả những điều này và cả ngàn những chi tiết khác bạn và tôi muốn làm gì tùy theo ý mình thích mà không cần hỏi ý ai cả. Chúng ta có cả một vương quốc trong đó chỉ có ta cai trị, ta có thể làm bất cứ điều gì mình thích, khôn ngoan hay rồ dại, khó khăn hay dễ chịu, theo phong tục hay chẳng giống ai đều được cả. Nhưng ngay khi ta bước ra khỏi vương quốc đó, tự do hành động của cá nhân ta trở nên bị giới hạn bởi sự tự do của những người khác.

Tôi có thể muốn tập thổi kèn đồng trombone từ nửa đêm cho tới ba giờ sáng. Nếu tôi leo lên đỉnh Everest để làm việc đó, tôi có thể mặc sức mà làm, nhưng nếu tôi tập thổi kèn trong phòng ngủ, gia đình tôi sẽ phản đối, và nếu tôi ra đường để tập, hàng xóm của tôi sẽ nhắc tôi rằng sự tự do thổi kèn của tôi phải không làm phiền đến cái quyền tự do được ngủ trong yên lặng của họ. Có rất nhiều người trên thế giới, và tôi phải dung hợp sự tự do của tôi với tự do của những người khác.

Ta có khuynh hướng quên điều này, và rủi thay, ta lại rất thấy rất rõ những lỗi lầm của người khác về phương diện này hơn là thấy lỗi lầm của mình. Một sự quan tâm hợp lý đến những quyền hay cảm xúc của những người khác là nền tảng cho hạnh kiểm xã hội. Chính những sự nhỏ nhặt trong cách cư xử, như tuân thủ luật đi đường mà ta chịu sự phán xét của người khác là người văn minh hay còn man rợ. Những khoảnh khắc trở thành anh hùng hay hy sinh rất hiếm khi xảy ra. Chính những thói quen nhỏ trong những giao tiếp hàng ngày tạo nên tổng thể của đời sống và làm cho hành trình của ta trở nên ngọt ngào hay cay đắng.

- Bản dịch Học viện http://icevn.org/
Được tạo bởi Blogger.